THUẬT NGỮ TEM BƯU CHÍNH

Sưu tập tem là thú chơi phong nhã, mỗi hình ảnh được thiết kế trên tem là một "artwork" chính hiệu.

Những người trẻ mê tem thật không nhiều, trừ khi họ có một bộ sưu tập được truyền thừa từ những thế hệ trước. Nhưng vẫn mong rằng, các thế hệ tiếp theo sẽ không phai phôi những giá trị cũ, các bạn trẻ vẫn sẽ tìm hiểu và biết thêm về tem, về những thứ không phổ biến bằng social platform.

(sưu tầm)


Thuật ngữ chơi tem phân loại theo bảng chữ cái tiếng Việt

-- A   

1. Album tem (Stamp album)

Tập hợp nhiều trang mỏng, bằng bìa cứng, chất dẻo hoặc các vật liệu khác có thể để rời hoặc gắn kết với nhau bằng keo, chỉ khâu hoặc hệ thống gá dùng để lưu giữ ảnh, tem, phong bì, ...


-- B   

2. Băng gài tem (Mounts)

Băng axetat lớp (lớp trước trong suốt, lớp sau có chất keo dính), có tác dụng bảo vệ và giữ chặt tem vào trang album.

3. Bát tem (Pane)

Đơn vị giới hạn vị trí in được tính trên một tờ tem hoàn chỉnh được chia nhỏ từ tờ tem máy trước khi đưa ra kinh doanh tại các bưu cục (một tờ tem máy có thể gồm 2 hoặc nhiều bát tem). Những “tờ tem” mà bình thường nhìn thấy ở các bưu cục chỉ bao gồm một bát tem.

4. Bản sao (Replica)

Bản tái chế của một phong bì hay một con tem. Vào thế kỷ 19, tem tái chế thường được bán để lấp chỗ trống và thường được in một mầu trên một tờ tem gồm nhiều mẫu khác nhau. Đôi khi nhân viên Bưu điện hoặc người sưu tập tem có thể bị nhầm với loại tem thật khác.

5. Bì thư (Cover)

Phong bì hoặc túi giấy đựng bưu phẩm để gửi qua đường Bưu điện. Thuật ngữ này cũng sử dụng đối với loại phong bì liền thư - nghĩa là: nội dung thư được viết vào mặt trong của bì thư rồi gập lại, bên ngoài ghi địa chỉ và gửi đi không cần bỏ vào một phong bì khác.

6. Bì thư hỗn hợp (Combination cover)

Những bì thư tín được dán tem cước phí hợp pháp của nhiều nước, và cước phí vận chuyển bì thư đó sẽ được tách riêng cho từng nước.

7. Bì thư tai nạn (Crash cover)

Bì thư thu lượm được sau một vụ tai nạn máy bay, tầu hoả, tầu thuỷ hay ôtô, song vẫn được chuyển tới tay người nhận kèm theo dấu đóng có lời giải thích về tình trạng của bì thư hoặc để trong phong bì khác của cơ quan Bưu điện.

8. Blốc (Block - Souvernir sheet - Miniature sheet)

Một tờ nhỏ, thường bao gồm một hoặc nhiều mẫu tem, có lề rộng và tiêu đề, có thể có hoặc không đục răng.

9. Bộ tem (Stampset)

Tập hợp các mẫu tem có liên quan đến nhau, có cùng chủ đề, mục đích phát hành, phần lớn có giá mặt khác nhau.

10. Bưu giản (Aerogramme)

Loại giấy gửi thư máy bay được UPU chính thức công nhận, không cần phong bì. Loại giấy này được phết keo trên mép gấp có sẵn, nội dung thư tín được viết vào mặt trong và sau đó gấp kín theo nếp gấp của phong bì. Khi gửi, không được bỏ thêm bất cứ vật gì trong thư này. Cước phí gửi thư này thấp hơn mức cước phí gửi máy bay thông thường.

11. Bưu thiếp (Postal card)

Bưu ảnh do cơ quan Bưu chính của một quốc gia phát hành, ở góc trên bên phải có in ký hiệu thể hiện mức cước phí phải trả.

12. Bưu thiếp cực đại (Maximum card)

Bưu ảnh mặt trước có dán tem và đóng dấu nhật ấn, mặt sau để viết thư. Bưu ảnh, tem và dấu nhật ấn phải phù hợp với nhau về nội dung, bố cục. Bưu ảnh phải là loại thông thường được sản xuất và kinh doanh rộng rãi, diện tích in hình chiếm trên 75% bề mặt bưu ảnh.


-- C   

13. Cắt ô vuông (Cut square)

Con tem in sẵn trên phong bì, giấy gói hoặc bưu thiếp được cắt rời ra theo hình chữ nhật hay hình vuông.

14. Cắt theo hình (Cut to shape)

Con tem có hình dạng đặc biệt hoặc in sẵn hoặc dán trên vật dụng bưu chính được cắt ra theo đúng hình thiết kế (không phải cắt thành hình vuông).

15. Cặp tem (Pair of stamps)

Là hai tem liền nhau (không tách rời) được tách ra từ một tờ tem. Cặp tem thường được bố cục theo chiều ngang (trường hợp tem hình chữ nhật đứng) hoặc theo chiều dọc (trường hợp tem hình chữ nhật nằm).

16. Cặp tem có cầu nối (Gutter pair of stamps)

Hai tem được nối với nhau bằng một phần giấy nhỏ để trắng hoặc in các hoa văn, chữ, hoặc mã số, bản thân nhãn này không có giá trị thanh toán cước phí bưu chính.

17. Chơi tem (Philately)

Là việc sưu tập và nghiên cứu tem Bưu chính, dấu Bưu điện và các vật dụng Bưu chính khác.

18. Chứng chỉ (Certificate)

Chứng nhận của các chuyên gia đối với các con tem đặc biệt quý hiếm, trong đó nêu một cách chi tiết kết quả giám định, thông thường có kèm theo ảnh con tem. Việc lập chứng chỉ được tiến hành trong hoặc sau khi giám định.


-- D    

19. Dải tem / băng tem (Stamp strip)

Ba hay nhiều tem liền với nhau thành một hàng ngang (gọi là băng tem) hoặc hàng dọc (gọi là dải tem).

20. Dải tem có cấu nối (Gutter strip)

Một dải tem mà các con tem được nối với nhau bằng một phần giấy nhỏ để trắng hoặc in hoa văn, chữ, số, ..., phần nối này không có giá trị thanh toán cước phí bưu chính.

21. Danh mục tem (Stamp catalogue)

Tài liệu biên soạn, sắp xếp, liệt kê theo một trình tự lô-gic các con tem Bưu chính và tem thuế với các thông số về mã số, tên bộ tem, các chỉ tiêu kỹ thuật liên quan của những con tem.

22. Dấu Bưu điện (Post mark)

Dấu được đóng lên tem và phong bì, thường có tên, mã bưu cục và thời gian nhận và phát bưu phẩm.

23. Dấu giám định (Authentication mark)

Dấu ở mặt sau của con tem do nhà chuyên môn hoặc một cơ quan chứng nhận tính xác thực của con tem. Những con tem có thêm dấu hiệu xác nhận ở mặt sau này không bị giảm giá trị. Dấu của người chủ con tem không thể coi là dấu giám định, còn dấu bảo đảm chỉ hãn hữu mới được xem là dấu giám định.

24. Dấu huỷ (Cancellation)

Dấu được đóng lên tem nhằm làm mất giá trị thanh toán cước phí của con tem hay làm giảm giá trị của tem so với tem sống để phục vụ những người chơi tem. Trên dấu huỷ thường nêu rõ địa danh và ngày tháng hoặc có thể là các đường kẻ, đường vạch hay hoạ tiết.

25. Dấu kỷ niệm (Cachet)

Thuật ngữ này theo tiếng Pháp có nghĩa là dấu đóng. Trong sưu tầm các bì thư tín, dấu kỷ niệm là dấu in sẵn hoặc được đóng bằng tay trên các ấn phẩm để đánh dấu một sự kiện đặc biệt nào đó. Dấu kỷ niệm thường có trên các FDC (phong bì phát hành ngày đầu tiên), FFC (phong bì chuyến bay đầu tiên), phong bì, ấn phẩm kỷ niệm các sự kiện đặc biệt.

26. Dấu nhật ấn (Dated stamp)

Loại dấu có ghi ngày tháng (không có tên bưu cục) được đóng trên các bưu phẩm.

27. Dị bản (Variety)

Sự sai khác so với mẫu tem chuẩn, có thể là ở vân chìm trên giấy, hình ảnh, răng đục, mầu sắc (mất mầu, lỗi mầu hoặc sự thay đổi mầu).


-- Đ    

28. Đấu giá tem (Philatelic auction)

Hoạt động kinh doanh tem chơi, tại đó, những lô tem định bán được giới thiệu rộng rãi kèm theo giá tạm tính. Việc phát giá sẽ do những người cần mua thực hiện công khai, ai trả cao nhất sẽ mua được lô hàng đó. Người mua thường phải trả một khoản lệ phí từ 10 đến 15 % trị giá lô hàng.

29. Đình chỉ phát hành (Withdrawn)

Tem đang được lưu hành nhưng vì lý do nào đó, cơ quan phát hành ra lệnh ngừng bán tại các bưu cục và không được sử dụng trên mạng hoặc bán làm tem chơi. Toàn bộ số tem đó được thu hồi nộp cơ quan chủ quản xử lý.


-- G    

30. Ghim tem (Stamp pin)

Loại ghim cài áo, mặt trước được in hình ảnh mẫu tem đã phát hành.

31. Giá mặt tem (Face value - Denomination)

Giá tiền được in trên mặt tem biểu thị giá trị thanh toán cước phí Bưu chính. Một số trường hợp, giá mặt thể hiện bằng chữ cái nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi giá cước tại một thời điểm nào đó.

32. Giấy an toàn (Safety paper)

Chỉ các loại giấy đặc biệt được sử dụng để in tem nhằm hạn chế việc tẩy xoá các dấu huỷ hoặc làm giả tem.

33. Giấy có vân chìm (Watermark paper)

Loại giấy khi soi lên ánh sáng thấy bóng một hình vẽ ẩn trong giấy. Hình của vân giấy rất đa dạng (mẫu tự, họa tiết đơn giản, vương miện, ...) tuỳ theo quốc tịch của con tem. Vân hình trong tờ giấy in tem vô cùng quan trọng, nhờ nó ta có thể phân biệt được các đợt phát hành tem khác nhau. Để xem vân giấy người ta sử dụng phương pháp quang học như máy soi hoặc hoá chất đặc biệt.

34. Giấy dó

Giấy làm thủ công từ vỏ cây dó, mọc nhiều ở vùng núi và trung du miền bắc Việt Nam (như ấm Hạ - Phú Thọ), xốp, mỏng, màu vàng ngà.

35. Giấy phát quang ( - Papier fluorescent)

Loại giấy đặc biệt được tạo ra nhằm tránh làm giả tem, khi đưa giấy vào bóng tối hoặc chiếu tia cực tím hay tia tử ngoại giấy sẽ phát sáng. Để làm loại giấy này, người ta phải trộn chất tạo sáng vào bột giấy trong quá trình sản xuất.

36. Giấy phấn (Chalky paper)

Loại giấy bề mặt phủ lớp phấn mỏng thường dùng để in tem. Bất cứ một sự cố gắng nào để xoá dấu huỷ trên tem in bằng loại giấy này sẽ làm hỏng bề mặt con tem. Nếu nhúng những con tem này vào nước, hình ảnh trên tem sẽ bị mất đi. Dùng bạc chà lên mặt giấy phấn sẽ để lại dấu như vạch bút chì và đây chính là cách để nhận biết ra loại giấy này.

37. Giấy tàu bạch (India paper)

Loại giấy in mỏng, mờ và ráp có chất lượng cao, được dùng chủ yếu để thử bản in.

38. Góc in ngày (Dated corners)

Nhiều quốc gia khi in tem có in thêm ngày ấn hành ở góc dưới, bên phải tờ tem. Người ta thường ưa thích sưu tầm các con tem có lề in ngày ấn hành này.


H    

39. Hết thời hạn lưu hành (Obsolete)

Sau khoảng thời gian lưu hành nhất định, tem được thu hồi theo quy định và không được bán tại các bưu cục, tuy nhiên tem vẫn còn giá trị thanh toán cước phí bưu chính.

40. Hình chìm (Watermark)

Hoạ tiết được thiết kế đặc biệt nằm chìm trong giấy in tem và được tạo ra ngay trong quá trình sản xuất giấy. Khi soi giấy ngược ánh sáng, dùng hoá chất hoặc đèn đặc biệt, hình chìm sẽ hiện ra.

41. Hình dạng tem (Shape of stamps)

Hình giới hạn bởi đường nét bên ngoài của con tem, căn cứ vào đó để phân loại tem: Vuông, chữ nhật, tam giác, tròn... Nhiều quốc gia phát hành tem có hình dạng khác nhau để thu hút người sưu tập.

42. Hộ chiếu tem chơi (Philatelic passport)

Một quyển sổ nhỏ (lưu hành trong các cuộc triển lãm, hội trợ tem chơi quốc tế) có in tên nước kèm theo một số thông tin cơ bản về diện tích, dân số để người sưu tầm mua tem của nước nào sẽ dán vào phần của nước đó và đóng dấu kỷ niệm triển lãm.

43. Hoạ tiết bảo hiểm (Burelage)

Những đường kẻ nhỏ, phức tạp được in trên giấy bảo đảm, với mục đích ngăn chặn việc làm giả hay chống việc tẩy xoá, sử dụng lại con tem đã đóng dấu. Các hoạ tiết này tạo thành nền làm nổi bật hình ảnh chính của con tem.


I    

44. In hồi chuyển (Rotary press printing)

Tem in trên khuôn cong trên máy in quay, giấy liên tục được đưa vào máy từ một con lăn.

45. In hoạ ảnh (Photogravure)

Phương pháp in tem hiện đại: các bản kẽm in được làm theo thuật quang ảnh kết hợp với phương pháp hoá học (không phải khắc bằng tay trên khuôn) và sau đó chuyển lên bản in. Mực in trong quá trình này nằm ở những chỗ lõm của mẫu thiết kế. Bề mặt thực của bản in được đánh sạch, giấy được ép vào mặt lõm và thấm mực in, theo cách thức giống như quá trình in khắc thép.

46. In khắc (Intaglio)

Một kiểu in mà hình ảnh được tái hiện theo đường nét khắc chìm trên bề mặt của bản in, kết quả là phần mực đọng lại trên các nét khắc sẽ hiện nổi trên bề mặt của tờ giấy. Khắc thép và hoạ ảnh là hai dạng của in khắc.

47. In ốp-xét (Offset)

Phương pháp in dựa trên nguyên tắc in thạch bản (lithographie) nhưng thay bản in đá bằng bản in kim loại, thường bằng kẽm. Trong quá trình in ấn, hình ảnh in thấm mực được truyền từ bản in sang trục in sau đó từ trục in lên giấy. Phương pháp in này cho phép sản xuất nhanh chóng những tờ tem từ một đến nhiều màu nhờ hệ thống những ống lăn in lại hình trên giấy.

48. In thạch bản (Lithography)

Hay còn gọi là phương pháp in lito. Phương pháp in này được ông Alois senefel người Đức sáng chế vào năm 1796, một lối in với hình hoạ đầu tiên được thực hiện trên miếng kim loại sau đó được in lên tấm đá làm bản in, còn gọi là in trên đá. Đây là phương pháp in từ một mặt phẳng trên đó mẫu thiết kế được thấm mực, phần không có hình thiết kế sẽ không được thấm mực. Những tem in bằng phương pháp này rất bằng phẳng, màu sắc đồng nhất, kém sinh động, nét màu nhạt, khác với tem in theo lối hoạ ảnh.

49. In tipô (Tipography)

Phương pháp in do ông Laurrent Coster đã sáng chế vào khoảng năm 1400. Ông dùng những bản kẽm (cliches) khắc nổi bức hoạ để miêu tả. Trái với phương pháp in khắc, giấy để in tipo có bề mặt rất bằng phẳng.

Để nhận biết tem in theo phương pháp này chỉ cần giơ con tem lên ánh sáng mặt trời, những đường viền trên con tem sẽ nổi bật lên.


K     

50. Khối bản in (Plate block)

Khối tem nằm ở góc hoặc cạnh của một tờ tem có đường diềm ghi số của bản in được dùng để in tờ tem. Người ta thường sưu tập loại khối bản in gồm 4 - 20 tem tuỳ thuộc vào thuật in tem. Khi mỗi con tem trên một tờ tem có thiết kế khác nhau, người ta thường sưu tập khối bản in dưới dạng một tờ tem hoàn chỉnh.

51. Khối tem (Block of .... stamps)

Là phần tách ra từ tờ tem, có ít nhất 4 tem (liền nhau), trong đó ít nhất 2 tem theo chiều ngang và 2 tem theo chiều dọc.

52. Khối tem có in số (Numbered block)

Khối tem (thường là 4 con) mà một góc nào đó có phần giấy lề in số tờ tem hoặc bản in.

53. Khuôn hình tem (Size of image)

Là diện tích phần hình ảnh được in trên nền tờ giấy được giới hạn bằng  phần in màu sắc và nội dung (không tính lề tem). Trong trường hợp tem in tràn lề thì khuôn hình tem chính là khuôn khổ tem.

54. Khuôn khổ tem (Size of stamps)

Là diện tích của mẫu tem được tính bằng khoảng cách từ đỉnh răng của cạnh này tới đỉnh răng của cạnh kia theo chiều ngang và chiều dọc của con tem. Chiều ngang được ghi trước, chiều dọc ghi sau (kích thước này tính cả lề tem).

55. Ký bông (Bonz)

Việc xác nhận về chất lượng ấn phẩm đầu tiên về đường nét và màu sắc của người đặt in hoặc hoạ sĩ thiết kế mẫu trước khi tiến hành cho in hàng loạt theo số lượng ấn hành. Có thể ký bông ngay trên bảng in thử (morasse).

56. Ký hiệu đèn giao thông (Traffic light)

Một dạng của chỉ thị màu hình tròn ở lề tờ tem dùng cho các thợ in kiểm tra màu trong quá trình in ấn. Do hình thức gần giống với tín hiệu đèn giao thông nên có biệt danh đó.


L    

57. Làm lại keo (Regummed)

Hành vi làm giả bằng cách phủ lớp keo mới làm tăng chất lượng mẫu tem, đôi khi còn làm cho giấy mỏng trở nên dày hơn và che bớt các khuyết tật của mẫu tem.

58. Lề (Margin)

Thuật ngữ chung bao gồm hai khái niệm: Lề tờ tem và Lề tem (đối khi còn gọi là diềm tem - selvage)

59. Lề tờ tem (Bord of stamp sheet)

Phần diềm trắng bao quanh tờ tem, trên đó có thể in các tiêu đề, các thông số khác nhau về tem in trên tờ.

60. Lề tem (Bord of stamps)

Phần trắng không thể hiện nội dung con tem hoặc không được in màu làm nền cho con tem. Trên mỗi tờ tem thường có những dải phân cách giữa các con tem. Một nửa khoảng cách đó biểu thị phần lề thông thường mà mỗi con tem phải có. Một con tem hoàn hảo phải có phải có lề bằng nhau ở tất cả các cạnh.

61. Lệch tâm (Off-center)

Hình ảnh trên mẫu tem không cách đều các lề tem.

62. Lỗi (Error)

Khuyết tật trong quá trình sản xuất tem hay vật dụng Bưu chính, có thể là lỗi do đục răng (mất hoặc thiếu răng), do in ấn (thiếu hay sai mầu, in ngược chiều, in chồng màu).

63. Lỗi in ngược (Invert)

Đây là một thuật ngữ chung được sử dụng để mô tả lỗi in ngược chiều một phần mẫu thiết kế so với các phần khác.


-- M    

64. Mẫu thiết kế chính thức (Original)

Bản thiết kế mẫu tem hoàn chỉnh đã được cơ quan Bưu chính duyệt cho in thành tem. Bản quyền mẫu thiết kế chính thức thuộc về cơ quan Bưu chính.


-- N    

65. Ngày phát hành (Date of issue)

Ngày đầu tiên con tem được chính thức lưu hành trên mạng Bưu chính và được bán rộng rãi.

66. Ngày tem (Stamp day)

Ngày mà cơ quan Bưu chính một số nước đặt ra để tôn vinh tem Bưu chính thông qua các hoạt động về tem, triển lãm tem, phát hành tem, đóng dấu kỷ niệm, ..., thông thường đó là ngày ra đời con tem đầu tiên hoặc kỷ niệm một sự kiện đặc biệt có liên quan.

67. Người chơi tem (Philatelist)

Thuật ngữ chung chỉ những người sưu tập tem, chơi tem, nghiên cứu về tem.

68. Ngụy tạo (Fake)

Tem, bì thư hoặc dấu huỷ được thay đổi hay phục chế nhằm hấp dẫn người sưu tầm. Theo nghĩa rộng hơn thì nguỵ tạo bao gồm cả việc sửa chữa, đục lỗ lại, phết hồ lại lên tem cũng như việc tẩy xoá hoặc vẽ lại dấu, làm dấu giả.


-- P    

69. Panh gắp tem (Tong)

Dụng cụ giống như cái nhíp nhưng phần ở đầu để kẹp tem thường mỏng và phần tiếp xúc rộng hơn. Sử dụng panh để gắp tem sẽ tránh làm bẩn tem do bụi bẩn, dầu hoặc mồ hôi.

70. Phát hành chung (Joint issue)

Bộ tem do cơ quan Bưu chính của hai quốc gia phối hợp phát hành thể hiện về cùng một đề tài chung. Giá mặt trên mỗi tem được ghi theo đơn vị tiền tệ của mỗi nước, quốc hiệu trên tem là quốc hiệu của cả hai nước và có thể dùng chung một thiết kế chủ đạo.

71. Phát hành lại (Reissue)

Việc chính thức in lại mẫu tem của bộ tem đã hết thời hạn lưu hành hoặc bị đình chỉ phát hành. Ví dụ: bộ tem “Kỷ niệm 500 năm hoạ sĩ Ra-pha-en” (MS 417).

72. Phong bì chuyến bay đầu tiên (First Flight Cover - FFC)

Phong bì thư đóng dấu huỷ ghi rõ ngày, địa điểm mở tuyến đường bay mới và được vận chuyển trên tuyến đường đó.

73. Phong bì đựng tem (Cover for storing stamp)

Phong bì dùng để đựng tem, Blốc thường được làm bằng giấy bóng, giấy trong hoặc mờ để có thể nhìn được tem.

74. Phong bì in tem (Stamped cover)

Phong bì do cơ quan Bưu chính phát hành có in sẵn tem với mức cước phí phổ thông tại thời điểm đó.

75. Phong bì kỷ niệm (Commemorative envelope)

Phong bì có in hình ảnh, biểu trưng về một sự kiện hoặc nhân một dịp nào đó ở góc bên trái phía dưới.

76. Phong bì máy bay (Envelope by air mail)

Phong bì dùng để gửi thư tín theo đường bưu chính hàng không. thông thường phong bì có in hình máy bay (mô phỏng) kèm theo dòng chữ “Bưu chính hàng không” hoặc “gửi máy bay”, “Air mail”, “Par avion”

77. Phong bì ngày phát hành đầu tiên (First Day Cover - FDC)

Một hay nhiều phong bì trên đó có dán đầy đủ các mẫu của một bộ tem mới phát hành (nếu bộ tem có phát hành blốc thì blốc được dán ở phong bì riêng) và được đóng dấu đặc biệt của ngày phát hành. Nội dung hình ảnh trên phong bì liên quan đến chủ đề của bộ tem và có dòng chữ “Ngày phát hành đầu tiên”. Mặt sau của phòng bì giới thiệu sơ lược nội dung xuất xứ của bộ tem.


-- Q    

78. Quốc hiệu không còn tồn tại (Dead country)

- Một chính thể đã từng phát hành tem, hiện tại không phát hành tem nữa. Ví dụ: ở Việt Nam, tem của chính quyền Sài Gòn cũ, quốc hiệu trên tem là Việt Nam Cộng hoà hiện tại không phát hành nữa.

- Quốc hiệu trên một con tem đã bị thay đổi bằng một quốc hiệu mới, vì vậy quốc hiệu cũ sẽ không được dùng trên tem nữa. Ví dụ: ở Việt Nam, tem Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tem Mặt trận, tem Cộng hoà miền Nam Việt Nam được thay thế bằng quốc hiệu mới là “Việt Nam”  bắt đầu từ bộ tem “Việt Nam thống nhất” (MS 311).


-- R    

79. Răng đục sót (Blind perforation)

Những lỗ đục răng tem mà phần giấy không bị tách rời trừ khi cắt hoặc ấn nhẹ lên giấy. Đối với một số tem không răng, người ta cũng khó phân biệt được đó là tem đục sót răng hay thực sự là tem không răng. Những con tem đục sót răng thường rất ít và nếu có, giá trị của nó cao hơn những con tem đục răng bình thường khác.

80. Răng tem (Stamp perforation)

Hàng phân cách bằng các lỗ thủng ở phần lề tem để dễ tách rời chúng. Số răng tem là số lỗ đục trên một chiều dài 2 cm của cạnh tem. Tem của Việt Nam hiện nay thường có số răng là 13.

81. Răng tem điều hoà ( - Dentalure)

Răng tem được coi là điều hoà khi có cùng một chỉ số trên tất cả các cạnh của con tem chiều ngang cũng như chiều dọc. Ví dụ răng tem số 13, 14, ...

82. Răng tem hỗn hợp (Compound perforations)

Tem gồm cỡ răng khác nhau nằm trên các cạnh khác nhau. Những cạnh có cỡ răng khác nhau thường vuông góc với nhau.

83. Răng tem không đầy đủ (Part-perforated)

Tem không được đục răng ở một hoặc nhiều cạnh nhưng ít nhất có một cạnh được đục răng.


-- S    

84. Sổ đựng tem (Stock book)

Cuốn sổ gồm nhiều hàng gắn túi nhỏ để đựng tem không gài vào Album hoặc những tem trùng lặp với những con tem đã có sẵn trong Album.

85. Số bản in (Plate number)

Số của bản in dùng để sản xuất ra một tờ tem cụ thể nào đó, thường được in ở lề tờ tem. Nhiều khi thuật ngữ này còn được gọi là số trục in trong trường hợp in hoạ ảnh với trục in hình trụ.

86. Sưu tầm xuất bản phẩm tem chơi (Philatelic literature)

Dạng sưu tầm các tư liệu, các công trình nghiên cứu về tem và các mặt hàng tem chơi.

87. Sưu tập bưu thiếp cực đại (Maximaphily)

Hình thức sưu tập Card maximum (Bưu thiếp cực đại).

88. Sưu tập tem chuyên đề (Thematic philately)

Hình thức sưu tập tem hoặc phong bì liên quan đến một chủ đề cụ thể, được mở rộng qua việc nghiên cứu chi tiết và được sắp xếp theo trình tự logic. Sưu tập theo chuyên đề chú ý đến hình ảnh thể hiện trên tem, mà không quan tâm đến chính thể phát hành tem.

89. Sưu tập tem hàng không (Aerophilately)

Hình thức sưu tập tem, blốc, FDC, vật dụng bưu chính, ... được khai thác, vận chuyển bằng đường hàng không.

90. Sưu tập tem truyền thống (Traditional philately)

Hình thức sưu tập tem và các vật dụng bưu chính theo thời gian phát hành của một quốc gia. Thuật ngữ này còn có tên gọi khác là Sưu tập tem cổ điển.

91. Sưu tập tem vũ trụ (Astrophilately)

Hình thức sưu tập tem và các vật dụng bưu chính chuyên đề về các thiên thể, các hoạt động của con người trong lĩnh vực nghiên cứu và chinh phục vũ trụ.


-- T    

92. Tâm tem (Centering)

Vị trí tương đối của khuôn hình so với lề. Đối với một con tem còn nguyên vẹn, tâm tem là một yếu tố rất quan trọng để đánh giá chất lượng và giá trị của con tem đó. Con tem có tâm tem cân đối hoàn chỉnh là con tem có các lề cân bằng nhau.

93. Tem đã đóng dấu (Tem chết) (Used stamps)

Tem đã bị đóng dấu, gồm hai loại:

- Tem đã qua sử dụng trên mạng Bưu chính (Postally used).

- Tem được đóng dấu huỷ theo yêu cầu để phục vụ người chơi tem (CTO).

94. Tem bưu chính (Postage stamp)

Bao gồm tất cả các loại tem có giá, không giá, sự vụ, thiếu cước, quân đội,... trên tem ghi chữ “Bưu chính” hoặc “Bưu điện” do cơ quan bưu chính của một quốc gia phát hành dùng để thanh toán cước phí các dịch vụ bưu chính.

95. Tem cắt đôi (Bisect)

Con tem do bưu cục cắt hay tạo răng để xé rời thành nửa bằng nhau theo chiều dọc, ngang hay đường chéo, mỗi nửa có giá trị bằng nửa giá mặt của con tem ban đầu. Những con tem này được phép sử dụng trong lúc tạm thời thiếu hụt tem phổ thông có giá mặt thấp. Tại một số thời điểm các quốc gia còn cho phép sử dụng tem cắt 3 hoặc cắt  4với giá trị bằng 1/3 hoặc 1/4 giá mặt con tem ban đầu.

96. Tem có keo (Gummed stamps)

Tem in trên giấy có keo ở mặt sau.

97. Tem có răng (Perforated stamps)

Tem được đục những lỗ nhỏ xung quanh các cạnh giúp cho việc tách rời mẫu tem được dễ dàng. Thời kỳ đầu, tem Bưu chính chưa được đục răng, về sau trong quá trình sử dụng, người ta đục lỗ xung quanh để dễ xé rời từng con.

98. Tem châu Âu (Europa)

Chủ đề Liên minh Châu Âu được thể hiện trên tem của các quốc gia Tây Âu từ năm 1956. Những con tem ban đầu được phát hành bởi Hiệp hội các nước công nghiệp tiên tiến thuộc Liên minh châu Âu. Ngày nay, các quốc gia châu Âu là thành viên của Hiệp hội bưu chính viễn thông viết tắt là CEPT phát hành loại tem này.

99. Tem chưa đóng dấu (Tem sống) (Mint stamps)

Tem mới chưa được đóng dấu huỷ, còn nguyên tình trạng như khi Bưu điện mới phát hành, cụ thể là: tem chưa sử dụng, không bị hư hỏng và vẫn còn nguyên lớp keo ban đầu (nếu là loại tem có keo).

100. Tem chuyên đề (Thematic stamps)

Tem được phát hành theo một đề tài hoặc một chủ đề đặc biệt như: WWF, thú tiền sử, bóng đá, đại hội thể thao, nấm ... thông thường tem chuyên đề phát hành có số mầu nhiều hơn tem kỷ niệm.

101. Tem cụt bộ (Short set)

Bộ tem không đầy đủ, thường thiếu một hoặc hai mẫu có giá mặt cao nhất trong bộ. Thiếu một mẫu có giá mặt cao nhất gọi là cụt 1, thiếu hai mẫu có giá mặt cao nhất gọi là cụt 2. Nếu thiếu quá 1/2 số mẫu của bộ tem thì những mẫu tem còn lại gọi là tem lẻ bộ.

102. Tem cuộn (Coil stamps)

Tem được in thành từng cuộn (dạng băng dài), chủ yếu dùng cho máy bán tem tự động. Loại tem này thường không đục răng ở hai mép cuộn.

103. Tem giả (Forgery)

Tem bưu chính bị làm giả (trái phép). Thường có dạng làm giả:

- Giả để đánh lừa cơ quan bưu chính gọi là Counterfeit.

- Giả để đánh lừa người sưu tầm gọi là tem ma (Bogus).

104. Tem Hàng không (tem máy bay) (Air post stamps)

Tem dùng để thanh toán cước phí bưu phẩm, thư từ gửi bằng đường Hàng không.

105. Tem huỷ theo yêu cầu (Cancel to order - CTO)

Tem sống (thường ở dạng nguyên tờ) được Bưu điện đóng dấu huỷ theo yêu cầu của khách hàng (người chơi tem, nhà buôn tem,...). Thông thường dấu huỷ được in ngay lên tem tại thời điểm in tem hoặc có thể được đóng dấu huỷ bằng tay lên tờ tem sau khi tem đã phát hành. Loại tem này gọi tắt là tem CTO, có giá trị thấp hơn nhiều so với giá mặt và không có giá trị thanh toán cước phí.

106. Tem in đè (Overprinted stamps)

Loại tem được phát hành trên cơ sở sử dụng những con tem đã phát hành trước đó để in đè thêm một nội dung nào đó trên bề mặt. Nội dung đó có thể là một hình ảnh, dòng chữ hay mức giá mặt mới. Tem được in đè giá mặt mới, còn gọi là tem in đè thay giá cước (Surchaged stamps).

107. Tem in bóng (Glossy stamps)

Loại tem in trên giấy thường sau đó được phủ một lớp hoá chất làm bóng mặt tem, làm tăng giá trị và mỹ thuật của con tem; hoặc trước khi in tem, người ta phủ lên giấy một lớp hoá chất làm bóng.

108. Tem in ghép (Se-tenant stamps)

Gồm hai hoặc nhiều tem trong một bộ có thiết kế, màu sắc, giá mặt khác nhau được in liền nhau.

109. Tem không giá (No value indicated stamps)

Loại tem không in giá tiền nhưng vẫn có chữ “Bưu chính” được dùng riêng trong phạm vi hẹp. Tem có giá trị gửi thư trọng lượng tiêu chuẩn (20 gam) bằng đường bộ. ở Việt Nam, phần lớn những tem Quân đội, tem Thương binh, Công an là tem không giá.

110. Tem không keo (Ungummed stamps)

Tem không có lớp hồ phết sẵn ở mặt sau (thuật ngữ này không dùng để chỉ loại tem có hồ nhưng bị rửa, lau mất lớp hồ đó).

111. Tem không phát hành (Unissued stamps)

Tem được in ấn theo chương trình phát hành hàng năm nhưng vì một lý do nào đó không được cơ quan Bưu chính phát hành để sử dụng.

112. Tem không răng (Imperforated stamps)

Tem phát hành không được đục lỗ và không có đường khía, chúng được cắt rời bằng dao, kéo hoặc các dụng cụ cắt khác.

113. Tem khối (Block)

Khối gồm hai hoặc nhiều mẫu tem khác nhau được in trên cùng một tờ nhỏ (không tách rời), có diềm xung quanh (có hoặc không in hình trang trí).

114. Tem kilo (Kiloware stamps)

Một loại tem trộn bao gồm các loại tem hỗn hợp được khai thác (cắt ra) từ các phong bì thư từ các nguồn khác nhau và được mua bán tính theo trọng lượng.

115. Tem kèm Vinhét (Vignette stamps)

Tem có hai phần nội dung tách biệt: Phần nội dung chính của tem có giá tiền, tên nước phát hành và chữ Bưu chính; Phần nhỏ in hình ảnh với mục đích làm rõ thêm nội dung hoặc làm tăng giá trị nghệ thuật cho mẫu tem lẻ hoặc cho cả bộ tem (đối với tem khối).

116. Tem kỷ niệm (Commemorative stamps)

Tem được phát hành để tôn vinh một nhân vật, kỷ niệm một địa danh, một sự kiện, được bán tại Bưu điện với một số lượng nhất định và trong một khoảng thời gian hạn chế.

117. Tem làm mẫu (Dummy stamps)

Loại tem được làm giả một cách hợp pháp dùng cho việc đào tạo nhân viên hoặc kiểm tra máy bán tem tự động. Tem này thường được in trống hoặc mang dòng tiêu đề đặc biệt, các hình ảnh hoặc một hình trang trí khác biệt. Loại tem này không có giá trị trong thanh toán cước phí và cũng không dùng để bán cho người sưu tập (còn có nghĩa là tem đào tạo - Training stamps)

118. Tem lộn đầu (Head to tail - Tête-Bêche)

Hai mẫu tem giống hoặc khác nhau, được in liền nhau (theo chiều dọc hoặc chiều ngang) nhưng ngược chiều nhau.

119. Tem lẻ bộ (Single stamps)

Bộ tem không đầy đủ, thường thiếu một hoặc vài mẫu tem có giá mặt bất kỳ.

120. Tem liên hoàn (Se-tenant stamps)

Tập hợp hai hoặc nhiều mẫu tem trở lên, được in liền nhau có nội dung được sắp xếp theo trình tự về thời gian, không gian và quan hệ chặt chẽ với nhau. Có thể được bố trí thành khối tem, hoặc dải tem, băng tem.

121. Tem ma (Bogus stamps)

Những nhãn rất giống tem (được sản xuất nhằm mục đích đánh lừa các nhà sưu tầm), thường mang tên quốc gia không có thật, giá tiền không có thật. Loại tem này đôi khi được phát hành cho những quốc gia hoặc những lãnh thổ không có hệ thống bưu điện (Phantasy).

122. Tem phổ thông (Definitive stamps)

Tem được phát hành với một số lượng lớn, được in lại và lưu hành trong khoảng thời gian không hạn định, được dùng chủ yếu cho thanh toán cước phí với nhiều giá mặt khác nhau.

123. Tem phụ thu (Supplementary value stamps)

Tem có hai giá mặt được nối với nhau bằng dấu cộng (+), giá ở trước (trên) chỉ cước phí dùng cho Bưu chính, giá ở sau (dưới) chỉ số tiền để ủng hộ một mục đích xã hội nào đó do Chính phủ hoặc một tổ chức Nhà nước quy định, giá tiền của con tem bằng tổng 2 giá. Thông thường, giá trước (trên) lớn hơn giá sau (dưới). Trong một bộ tem có thể chỉ có một số mẫu mới có phụ thu và tổng giá tiền của phần phụ thu không được vượt quá 50% tổng các giá trị cước phí của bộ tem.

124. Tem quân đội (Military stamps)

Tem được phát hành dùng riêng trong quân đội của một quốc gia. Loại tem này thường không có giá mặt.

125. Tem sổ (Carnet)

Một hay vài băng tem ngắn (thường là tem phổ thông) có giá mặt thông dụng, một đầu được đính với nhau và xếp gọn lại theo chiều dọc hoặc chiều ngang (như quyển sổ nhỏ). Khi dùng có thể tách rời một hoặc vài con theo nấc cước phí cần thiết.

126. Tem song ngữ (Bilingual)

Tem có tiêu đề và giá mặt được in bằng 2 ngôn ngữ. Việc sử dụng song ngữ trên tem thường được áp dụng ở những nước có 2 ngôn ngữ chính thức như Canada (Anh và Pháp); Nam Phi (tiếng Anh và tiếng bản địa);

127. Tem Specimen (tem mẫu) (Specimen)

Tem được in hoặc đục lỗ chữ “SPECIMEN” (hoặc từ có nghĩa tương tự “SAMPLE”; “MUESTRA”) dùng để lưu trữ (làm mẫu phân biệt với tem giả), tuyên truyền quảng cáo hoặc bán cho người sưu tầm. Tem mẫu được in cùng một loại giấy, phương pháp in, màu sắc như tem bình thường.

128. Tem sự vụ (Official / Service stamps)

Tem phát hành để chuyên sử dụng trong việc chuyển phát thư từ công vụ. Trên tem có in chữ “Sự vụ” (Official / Service).

129. Tem tân trang (Repaired stamps)

Con tem đã bị hỏng nhưng được khôi phục lại để làm cho giống với tem còn tốt.

130. Tem tạm thời (Provisional stamps)

Con tem Bưu chính được phát hành tạm thời để đáp ứng nhu cầu thanh toán cước phí trong thời gian chưa có tem chính thức. Tem Đông Dương in đè thời kỳ 1945 - 1946 là một dạng tem tạm thời của Việt Nam DCCH.

131. Tem thẻ (Carnet)

Là các mẫu tem tự dính trên một chiếc thẻ bằng chất dẻo mỏng, có giá mặt thông dụng. Khi dùng có thể bóc rời một hoặc vài con theo nấc cước phí cần thiết để dán trên bì thư.

132. Tem thiếu cước (tem phạt) (Postage due stamps)

Tem do Bưu điện phát hành, dùng để dán vào thư từ, bưu phẩm để thông báo chúng bị thiếu cước phí thanh toán (vì khối lượng, khoảng cách vận chuyển hoặc phương thức vận chuyển,...), phần cước phí thiếu này do người nhận phải trả.

133. Tem trọn bộ (Complete set)

Bộ gồm có đủ các mẫu tem theo chương trình phát hành gọi là tem trọn bộ. Bộ tem có một mẫu tem (hoặc blốc) thì chính mẫu đó là bộ tem (hoặc Blốc). Bộ tem có phát hành kèm Blốc, nếu thiếu Blốc vẫn được coi là bộ hoàn chỉnh.

134. Tem trọn năm (Year composition)

Tập hợp toàn bộ những tem đã phát hành trong một năm.

135. Tem trên tem (Stamp on stamps)

Loại tem mà đề tài của nó là con tem bưu chính khác phát hành trước con tem đó (thường được phát hành để kỷ niệm Ngày tem Bưu chính hoặc ngành Bưu chính).

136. Tem trộn (Mixed stamps)

Một tập hợp gồm nhiều mẫu tem lẻ thuộc các bộ khác nhau đã hoặc chưa được phân loại, được đóng thành túi theo chuyên đề hoặc hỗn hợp.

137. Tem tự dính (Self adhesived stamps)

Tem in trên loại giấy đề can có lớp và thường được khía đứt trên phần giấy được in. Khi sử dụng ta bóc tem rời ra theo đường khía và để lại phần giấy lót. Khi đó phía sau tem đã có keo dính sẵn và có thể dính thẳng lên bì thư.

138. Thước đo răng tem (Perforation gauge)

Loại thước được in hoặc vẽ trên kim loại, nhựa hoặc bìa các tông có chia độ để đo số răng tem trên một đơn vị chiều dài 2 cm.

139. Tờ tem (Sheet)

Đơn vị hoàn chỉnh của các con tem được gửi tới các bưu cục. Tem thường được in trên tờ to (gọi là tờ tem máy) sau đó được chia thành hai hoặc nhiều tờ tem nhỏ hơn trước khi gửi tới các bưu cục.

140. Tranh ghép bằng tem (Stamp montage)

Tranh được ghép từ những con tem hoặc một phần của những con tem. Nội dung, màu sắc của bức tranh được tạo nên bởi việc ghép những con tem có màu sắc tương ứng.

141. Tranh phóng tem (Enlarged stamp picture)

Một bức tranh được phóng to từ tem và hoàn toàn giống con tem về nội dung, mầu sắc. Tranh phóng tem có thể được làm bằng cách in ấn hoặc vẽ lại, chủ yếu dùng để tuyên truyền.


-- V    

142. Vật dụng bưu chính (Postal sationery)

Những vật phẩm in sẵn tem (trái với loại phải dán tem) bao gồm bưu thiếp, thiếp viết thư, phong bì in sẵn tem, giấy gói bưu chính, bưu giản, thẻ điện tín, mẫu tiết kiệm Bưu điện và những vật phẩm tương tự.

143. Vật dụng chơi tem (Accesories)

Các loại dụng cụ và các yếu tố bổ trợ khác dùng trong sưu tập tem. Vật dụng này bao gồm giấy gắn tem, băng cài tem, kẹp gắp tem, thước đo răng tem, sổ đựng tem, kính lúp, tài liệu hướng dẫn chơi tem, Album cài tem và danh mục cũng được xem như là các vật dụng chơi tem.

144. Ví đựng tem (Stamp wallet)

Loại ví có nhiều ngăn để đựng bìa gài sẵn tem. Người ta có thể dùng ví này để trưng bày và giới thiệu tem.

Tổng hợp


P/s: An có 1 bộ sưu tập tem cũ, vẫn đang tìm người chụp. Thiện chí của An mong sẽ kết nối được với một ai đó có duyên với bộ tem này.
Và một bộ tiền Việt Nam cỗ, tất cả đều được hưởng từ ông Ngoại của An. 

Comments